Tại cuộc gặp mặt, tuyên dương và khen thưởng DN mới đây của tỉnh, ông Nguyễn Mậu Chi, TGĐ Công ty TNHH Bia Huế, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh: hàng năm, Trung ương và tỉnh dành một khoản ngân sách rất lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều đó đã làm thay đổi diện mạo của toàn tỉnh. Tuy nhiên, các DN xây dựng lại gặp rất nhiều khó khăn do Ban quản lý các dự án nợ tiền thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành. Nếu việc chậm thanh toán kéo dài, thì các DN sẽ thua lỗ và không đủ sức trả lãi vay ngân hàng.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2010 và dự kiến phân bổ kế hoạch vốn năm 2011 của UBND tỉnh, tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua cho thấy: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh năm 2010 là 1.304 tỷ đồng, thực hiện 1.645 tỷ đồng, đạt 126.1% KH; nhưng mới giải ngân 831 tỷ đồng, đạt 68% KH. Nhiều chương trình, dự án (DA) từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng mới giải ngân từ 76-78%; riêng các DA ký túc xá sinh viên mới giải ngân được 31% KH... Cũng theo báo cáo của tỉnh, chỉ tính riêng nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ, các DA đã được phê duyệt quyết toán, nhưng nợ khối lượng XDCB các công trình đã hoàn thành khoảng 112,7 tỷ đồng và sẽ được bố trí hoàn trả trong năm 2011.
Có dịp trò chuyện với một số doanh nghiệp (DN) ngành sản xuất vật liệu xây dựng mới hay: hiện nay không chỉ các DN trong lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn về vốn; mà các DN sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng cũng “khó” theo. Do chưa được thanh toán khối lượng xây dựng và do thiếu vốn, nên các DN hoạt động XDCB còn nợ các DN sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng với số tiền khá lớn... Theo đó, việc chậm giải ngân, thanh toán và nợ khối lượng XDCB năm 2010 sẽ gây ra những khó khăn có tính dây chuyền cho nhiều DN trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN.
Để góp phần gỡ khó cho các DN trên địa bàn trong bối cảnh thiếu vốn và lãi vay ngân hàng đang ở mức cao, ông Nguyễn Mậu Chi, TGĐ Công ty TNHH Bia Huế, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành cho các DN. Mặt khác, cần bố trí một khoản vốn từ ngân sách để sớm trả nợ khối lượng XDCB đã hoàn thành. Trong trường hợp chưa bố trí được vốn để thanh toán số nợ nói trên, thì thanh toán phần lãi suất ngân hàng khoản tiền trả chậm để “chia sẻ khó khăn” cho DN do phải đi vay. Trong thời gian tới, tỉnh chỉ nên tập trung triển khai đầu tư đối với các công trình, DA đã có vốn; không nên đầu tư dàn trải và thực hiện việc thanh toán theo tiến độ thi công được phê duyệt. Đây cùng là những giải pháp thiết thực để hạn chế tối đa tình trạng nợ nần trong XDCB lâu nay trước bối cảnh tổng mức đầu tư xây dựng của tỉnh ngày càng lớn.
Hoàng Thành