Rừng keo tràm ở Phong Hải trong mùa nắng nóng |
Ở vùng cát ven biển trải dài từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc có đến hơn 6.000ha rừng phi lao và các loài keo lá tràm, lá liềm và keo chịu hạn. Kết quả phân tích tổng hợp của nhóm nghiên cứu Khoa Lâm nghiệp thuộc Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho thấy, các dạng rừng trồng vùng cát ven biển mang lại hiệu quả về mặt môi trường, xã hội và kinh tế cũng như khả năng chống chịu hạn, thiên tai khá cao.
Tuy khả năng chịu hạn cao nhưng các loại keo, tràm và cả phi lao là các loài cây rất dễ cháy trong mùa nắng nóng. Thực tế, trong những năm qua, tại vùng cát Quảng Điền, hay các xã Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền)... đều xảy ra cháy rừng keo tràm, gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến môi trường. Các lực lượng chức năng, Nhân dân tốn nhiều công sức, tiền của để dập lửa.
Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải cho biết, mùa hè năm trước, tại một cánh rừng tràm ở địa phương xảy ra cháy. Do lớp lá khô dưới tán rừng dày đặc nên đám cháy lây lan nhanh trên diện rộng. Xe bồn nước chữa cháy của cơ quan chức năng, kết hợp đấu nối ống nước từ khu dân cư nhưng phải mất nhiều thời gian mới dập tắt lửa, nhiều diện tích rừng keo tràm bị thiêu rụi.
Mới đầu mùa nắng nóng năm nay, hầu hết các cánh rừng trên cát ở Ngũ Điền đã ngả sang màu vàng, phủ lớp lá khô khá dày đặc dưới tán rừng. Theo ông Hòa, có nhiều nguyên nhân rất dễ xảy ra cháy rừng keo tràm trên cát ở Ngũ Điền nói chung và xã Phong Hải nói riêng. Một số vụ cháy rừng những năm trước bắt nguồn từ việc người dân đốt thực bì.
Một số nguyên nhân khác như đốt nhang, vàng mã tại lăng mộ cạnh các khu rừng, hay thợ xây lăng mộ nấu ăn, vứt tàn thuốc bừa bãi... có nguy cơ dẫn đến cháy rừng. Tại vùng cát xã Quảng Lợi cách đây mấy năm từng xảy ra vụ cháy rừng keo tràm, gây thiệt hại diện tích khá lớn. Qua điều tra, xác minh nguyên nhân do một nhóm người của một trang trại đốt lửa nấu ăn cạnh rừng dẫn đến cháy rừng trên diện rộng...
Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu chia sẻ, rừng keo tràm có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường khu dân cư, chống cát bay, cát lấp. Các cánh rừng keo tràm luôn có nguy cơ cháy trong mùa nắng nóng, là nỗi lo đối với chính quyền và Nhân dân địa phương. Vào đầu mùa nắng nóng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức Nhân dân trong việc bảo vệ rừng, không đốt lửa, thắp nhang, đốt vàng mã cạnh rừng, hoặc đốt lửa phải có kiểm soát.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong đốt lửa cạnh rừng, khiến rừng có nguy cháy bất cứ lúc nào. Địa phương luôn cảnh báo nguy cơ cháy rừng đến với các khu dân cư, hộ dân, kết hợp tuyên truyền về pháp luật liên quan đến hoạt động bảo vệ rừng, xử phạt nặng đối với các hành vi vi phạm dẫn đến cháy rừng, gây thiệt hại lớn.
Mặc dù nguy cơ cháy rất cao nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng keo tràm trên cát chưa có sự quan tâm đúng mức. Hầu như tại các địa phương chưa được đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, hệ thống dẫn nước từ khu dân cư phục vụ chữa cháy rừng. Khi phát hiện cháy rừng, các địa phương thiếu chủ động dập tắt đám cháy, không có xe bồn chứa nước chữa cháy. Xe bồn chữa cháy từ trung tâm huyện Phong Điền về các địa phương phải mất ít nhất một giờ. Vì vậy, hầu hết các vụ cháy rừng đều không được dập tắt kịp thời, thường lan trên diện rộng và gây thiệt hại nặng.
Theo kiến nghị của các địa phương, các cấp, ban ngành cần quan tâm hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cát mùa nắng nóng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn là nòng cốt, cần tích cực, năng động hơn trong phối hợp với các địa phương, Nhân dân tổ chức tuần tra, giám sát rừng. Các địa phương cần được hỗ trợ mua sắm các trang thiết bị, máy móc như máy thổi, bàn dập lửa, bể chứa nước tại các cánh rừng... nhằm chủ động, kịp thời dập tắt khi mới phát hiện lửa bốc cháy.
Giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh trồng mới gần 2.000ha rừng trên cát ven biển, đầm phá, từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Trong đó, trồng mới và trồng bổ sung 1.570ha rừng trên cát ven biển và 72,3ha rừng ngập nước ngọt… Đồng thời quản lý, bảo vệ tốt rừng phòng hộ ven biển nhằm phát huy tác dụng, ứng phó biến đổi khí hậu. |