Việc rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ trực tiếp làm công tác bảo vệ tại các điểm có hiện vật, có di tích hẳn nhiên đã được thực hiện với những quy định và chế tài cụ thể. Nhưng điều mà chúng tôi nhận thấy ở đây không chỉ là việc cần xem lại trách nhiệm mà quan trọng hơn, là độ tin cậy về một đội ngũ và của một đội ngũ những người được lựa chọn để bảo vệ hiện vật tại các điểm di tích. Nói một cách khác đi, đó là khi sự tin cậy đã bị lấy cắp từ tính chủ quan, sự thờ ơ, thậm chí là vô cảm đối với hiện vật của những người thừa hành công vụ. 

Sau những tiếc nuối, sau những giật mình, sau những giận dữ...điều mà dư luận đặt ra là bên cạnh sự gia tăng công tác an ninh, sự chấn chỉnh về đội ngũ, liệu đã đến lúc đặt vấn đề bảo hiểm cho các hiện vật được mang ra trưng bày tại các điểm di tích như một cách minh họa và tạo cái nhìn sống động về di tích và di sản cho du khách thưởng ngoạn ?
 
2. Cuối cùng thì, với sự xác thực về mặt nghiệp vụ, sự thẩm định và tham mưu về mặt chuyên môn của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, sự cộng tác, phối hợp của chính quyền và người dân sở tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã can thiệp kịp thời việc người dân chuẩn bị đưa hiện vật ra khỏi vị trí nguyên gốc gắn liền với tính chất di tích.
 
Nhìn từ một phương diện khác, trường hợp bảo tồn tấm bia địa danh Dẫn Khiêm Sơn tại thửa đất số 97, tờ bản đồ số 26, thuộc tổ 7, phường Thủy Xuân, TP Huế) những ngày cuối tháng 12/2010 cũng một lần nữa cho thấy, đối với một vùng đất dày đặc di tích như ở Huế, độ nhạy, độ tinh và sự cẩn trọng của những người làm công tác bảo tồn di sản là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhất là khi, với dụng ý hợp lý hóa và tiện bề xây dựng, người dân đã tìm cớ và tìm cách “bứng” di tích ra khỏi thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.
 
Việc giải quyết bia đá Dẫn Khiêm Sơn, sau những nội dung thảo luận, giữa cơ quan quản lý và người dân đã tìm được một tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc ứng xử với di tích trong một bộ phận người dân quả là đang có vấn đề khi cái lợi cục bộ, cá nhân đang được đặt trên lợi ích của cộng đồng, đặt trên những chuẩn mực mang tính pháp lệnh và chuẩn mực của di sản. 
 
Chính vì thế, đây cũng là lúc mà độ nhạy và độ tinh của những người làm công tác bảo vệ di sản cần được phát huy, được xem như bộ lọc quan trọng trong việc gìn giữ di sản. Hiểu một cách khác đi, đó cũng là một cách xác lập độ tin đối với sự gìn giữ và bảo tồn di sản trước những biến động và cám dỗ của cuộc sống.
                                                                                                            Hạnh Nhi