Chẳng nói đâu xa, mới đầu năm nay, chính quyền thị xã Hương Thủy cũng đã buộc một người dân ở Thủy Dương tháo dỡ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp lớn đến 500m2. Điều đáng nói là công trình lớn này chính quyền “phát hiện” ra xây dựng trái phép khi đã hoàn thành.

Mới đây nhất là ở Phú Quốc, xây dựng trái phép đến 79 căn biệt thự. Đầu tháng 11 lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế 2 căn biệt thự đầu tiên - rất tốn công, tốn của chẳng những cho những người xây dựng trái phép mà cả đối với chính quyền.

Trở lại vụ việc ở Quảng Ngãi. Một tờ báo mô tả kèm hình ảnh về vụ việc này như sau: Nhà ông S. ở mặt tiền thuộc một đường phố lớn ở Quảng Ngãi. Ông có diện tích đất được phép xây dựng nhà ở (đất ở lâu dài). Nhưng cạnh đó có đất nông nghiệp (lúa) gia đình ông mua lại của một người dân và xây luôn công trình trên đất này. Vậy là sinh chuyện.

Có mấy điểm chung trong ba vụ việc ở ba nơi nêu trên. Đó là: Công trình xây dựng trái phép là công trình xây dựng đã xong; công trình nào cũng lớn, tức là thuộc về người nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền; chính quyền đều đã phát hiện và tiến hành các biện pháp xử lý.

Cách xử lý của chính quyền ở 3 công trình nói trên là xử phạt, buộc tháo dỡ, thể hiện được một điều đáng hoan nghênh là tính thượng tôn pháp luật.

Nhưng các vụ việc nói trên cũng gợi lên nhiều suy nghĩ về mặt quản lý. Hàng loạt câu hỏi cần có câu trả lời: Chúng ta tổ chức quản lý đô thị như thế nào? Những người, những bộ phận được phân công quản lý đô thị có trách nhiệm gì trong những vụ việc nêu trên? Liệu có sự tác động nào từ các chủ nhân nói trên đến công tác quản lý?…

Qua các vụ việc nói trên có mấy điều cần rút ra.

Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, công tác thực thi pháp luật ngày càng nghiêm minh nên dù bất kỳ ai cũng không nên, không thể làm liều. Làm liều là “tiền mất tật mang”. Trước đây, phải nói rằng công tác quản lý xây dựng nói chung và quản lý đô thị nói riêng chưa chặt chẽ như bây giờ nên nó sinh ra một khái niệm mà chúng ta hay nghe -“phạt cho tồn tại”. Giờ luật pháp hoàn thiện hơn, công tác quản lý chặt chẽ hơn nên tình trạng xây dựng trái pháp thế nào cũng bị phát hiện và có hình thức xử lý.

Đó là về phía người dân. Còn về phía chính quyền cũng cần xem lại công tác quản lý và trách nhiệm của những người có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Ở Huế, chỉ cần một xe cát sạn chở đến một công trình nhà dân nào đó là ngay lập tức có người thực hiện quản lý đô thị đến kiểm tra về tính hợp pháp hay không hợp pháp của việc xây dựng. Có phải nhờ quản lý tốt nên chúng ta ít nghe nói đến chuyện xây dựng trái phép. Những công trình có quy mô lớn xây dựng trái phép càng ít. Nếu làm tốt công tác quản lý theo “kiểu Huế” thì làm gì có chuyện những công trình to “tổ bố” xây dựng xong mới được phát hiện! Ở những nơi xảy ra những sai phạm nói trên cần nhìn nhận lại công tác quản lý. Phải chăng là buông lỏng, phải chăng là năng lực của cán bộ quản lý có vấn đề hay còn những lý do “tế nhị” nào khác!? Người dân sai, chính quyền không phát hiện kịp thời thì không thể nói một chính quyền quản lý tốt!

Dường như ở lĩnh vực nào cũng vậy, ngăn chặn sai phạm vẫn tốt hơn xử lý sai phạm. Nó cũng giống như chuyện “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vậy.

NGUYÊN LÊ