Loạn cam kết chữa khỏi các bệnh nan y

Thấy tôi và nhiều người cùng bàn trố mắt nhìn, anh mỉm cười rồi bấm di động để chứng minh. Đấy, các ông cứ xem, cứ nghe đi, tôi không phét lác đâu. Đúng là anh không hề phét lác thật, trên chiếc smartphone, bất kỳ đoạn video clip nào trên youtube cũng đều thấy có quảng cáo về khám, bốc thuốc, chữa bệnh, kèm đó là những dẫn chứng “người thật việc thật” đã dùng thuốc và có kết quả “khỏi hẳn”. Từ nhức mỏi, xương khớp, ho, viêm xoang, đại trực tràng, cho đến trĩ nội trĩ ngoại, thậm chí cả tiểu đường, ung thư các kiểu… Tất cả đều được các “thầy thuốc, thầy lang” đáng kính cam kết là chữa khỏi dứt điểm, không hề tái phát. “Vui” nhất là có một ông tăng trẻ, thường xuất hiện chễm chệ trên một cái “bửu tọa” rất lớn, chạm trổ công phu - Điều mà ngay từ bậc sa di, giới luật nhà Phật đã không cho phép (“Bát viết bất tọa cao quảng đại sàng. Giải viết: Phật chế thằng sàng cao bất quá Như lai bát chỉ. Quá thử tức phạm. Nãi chí tất thể điêu khắc, cập sa quyến trướng nhục chi loại, diệc bất nghi dụng…” . Nghĩa là điều thứ 8 Phật dạy không được ngồi giường cao và rộng lớn. Phật quy định giường giây cao không quá tám ngón tay của ngài. Quá cỡ ấy thì phạm. Cho đến cái loại sơn vẽ chạm trổ và màn nệm bằng sa lụa cũng không nên dùng...). Ông tăng vừa kể không chỉ ngồi “bửu tọa” to đẹp, lại còn thao thao toàn nói đến chuyện bệnh tật, và bệnh gì cũng nghe ông bảo rằng rất dễ chữa, chỉ cần như vậy, như vậy là lành, ông khẩn khoản với người nghe: “Làm ơn làm phước” đừng dùng thuốc, tốn tiền mà có hại…

Xem các đoạn quảng cáo, thật sự thấy “choáng” cho trình độ y học nước nhà. Toàn bệnh khó nhằn mà cả thế giới, trong đó nhiều nước có trình độ y học hiện đại, đẳng cấp về bề dày nghiên cứu, ứng dụng vẫn còn đang mày mò mãi chưa ra kết quả, mà ta thì coi như… khoai. Kiểu ấy, không khéo không đủ vàng để đúc tượng cho các “thần y” đất Việt. Và kiểu ấy mà công bố, không khéo giải Nobel phải...chạy làng vì không đủ tiền để trao thưởng cho các “công trình”!

Không phải là xem thường, không coi trọng kinh nghiệm và thành tựu về y học trong dân gian. Tuy nhiên, cho dù với một sự mở lòng rộng rãi nhất chăng nữa, quả thật tôi cũng không dám tin y học ở xứ ta lại giỏi đến mức khủng khiếp như vậy. Bệnh gì cũng chữa lành, và lành dứt điểm, thì thần y Hoa Đà bên Tàu hay danh y Hải Thượng Lãn Ông xứ ta có tái thế chắc cũng phải nghiêng mình bái làm sư phụ!

Dân ta có câu “Có bệnh thì vái tứ phương”. Người mang bệnh trong mình thì thường không đủ tỉnh táo. Họ, và người nhà của họ nữa, nghe ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, thì như chết đuối gặp phao, dù có xa xôi, dù có đắt đỏ đến mấy chăng nữa cũng cố tiếp cận với tâm niệm sức khỏe, tính mạng mới là quan trọng nhất. Phải chăng đánh vào cái tâm lý đó, nên thiên hạ mới quảng cáo tùm lum như thế trên mạng. Trăm người, ngàn người nghe/xem, thế nào chẳng có dăm bảy người “dính thuốc”, thế cũng đủ sống, đủ lãi. Còn sống hay chết, lành hay không, người bệnh ráng đỡ!

Muôn hình vạn trạng kiểu cam kết chữa khỏi bệnh nan y

Viết đến đây, tôi chợt nhớ về ánh mắt khắc khoải của một người bạn vong niên. Anh hơn tôi chỉ một vài tuổi. Cách đây ít năm, đột nhiên phát bệnh. Một cơ sở y tế sau khi thăm khám đã bảo bệnh của anh đơn giản, đảm bảo chữa lành, và kiên quyết không cho chuyển. Nhưng chữa mãi không có dấu hiệu thuyên giảm, người nhà sốt ruột quá, “bốc” anh vượt tuyến thì đã quá muộn. Bây giờ thì anh đã thành người thiên cổ. Thế cho nên, y học mới có chủ trương tầm soát sớm bệnh tật, có khái niệm “thời gian vàng”… Song, với kiểu quảng cáo chữa bệnh chắc như đinh đóng cột ở trên, chẳng biết có bao nhiêu người bệnh đã phải tiền mất tật mang?

Một cuộc kiểm tra rộng rãi để chấn chỉnh từ phía các cơ quan chức năng là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân và lành mạnh hóa “thị trường” khám, chữa bệnh của đất nước. Còn qua kiểm tra, phát hiện có những trường hợp thực sự hiệu quả trong chữa bệnh, bốc thuốc, thì cũng rất cần được xem xét để công nhận và công bố rộng rãi. Bởi nếu có càng nhiều những địa chỉ như thế thì càng phúc đức cho dân ta, cho người bệnh. Mong là như thế, nhưng vẫn phải…chờ.

THƯỢNG BÍCH