Nạn ốc bưu vàng là sự kiện không thể nào quên. Nó sinh sôi nảy nở tàn phá môi trường, vườn tược…phải mất một thời gian dài phát động phong trào người người, nhà nhà diệt ốc bưu vàng nhưng cho đến nay, đây đó trên ao hồ, đồng ruộng trứng ốc bưu vàng đang “nằm chờ” cơ hội sinh sôi.
Mới đây, người ta lại hám lợi nhập về loại rùa tai đỏ gây xôn xao dư luận, hoang mang trong dân chúng bởi đây là loại rùa không nằm trong danh mục những loại được nhập khẩu thông thường. Rùa tai đỏ được nhập khẩu từ Mỹ về, loại này ăn tạp, chóng lớn, sinh sôi nảy nở không kém gì ốc bưu vàng, tàn phá môi trường, có khả năng tận diệt những loại rùa bản địa vốn không “hung hăng” như rùa tai đỏ. Vậy là phải ra quân tiêu diệt.
Nghe đâu trong An Giang, tại hồ Thủy Liêm trên núi Cấm xuất hiện rùa tai đỏ do khách hành hương mang đến để phóng sinh cầu may, xá tội vong nhân.
Rùa tai đỏ được xếp vào loại độc hại có thể gây bệnh thương hàn. Rùa tai đỏ nhanh chóng có mặt tại Thừa Thiên Huế, người ta đem bán ngay trên đường phố, tỉnh bơ như chẳng ảnh hưởng gì đến ai?!..
Cuộc sống thay đổi, giàu sang lên một tý người ta đua nhau chơi kiểng. Cái gì cũng kiểng: Chim kiểng, cây kiểng, cá kiểng, khỉ, gà kiểng và bây giờ là rùa kiểng. Nhiều người cho rằng rùa tai đỏ có dáng đẹp, nuôi trong bể, hồ nhỏ, quản lý được, chẳng hại gì vì khó lây lan ra ngoài. Nên nhớ rằng Thừa Thiên Huế là tỉnh lắm mưa, nhiều lụt. Nước về lút cả làng thì ai quản lý được rùa tai đỏ “chu du” đi nơi khác. Mới đây, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Cúc Phương, cán bộ kiểm lâm sau khi phát hiện loại rùa này, đã đem về nuôi nhốt theo dõi thấy rằng đây là loại rùa ăn tạp, trong cùng thời gian lớn gấp 2 lần rưỡi so với rùa bản địa, sinh sôi nảy nở nhanh. Tổng cục Thủy sản cùng các ban ngành tỉnh Vĩnh Long ghi nhận một thực tế rằng rùa tai đỏ đẻ trứng tại nhiều nơi nuôi nhốt trong tỉnh gây mối lo sổng ra ngoài tự nhiên gây họa…
Chỉ nhập về 40 tấn rùa tai đỏ, một công ty đã làm cho cả nước xôn xao bàn tán chuyện tiêu diệt mà trước hết là quy trách nhiệm cho đơn vị trực tiếp nhập khẩu. Khi bàn về tai họa môi trường do nhập các loại giống cây, con không qua khảo nghiệm nhiều người cho rằng trước hết đó là trách nhiệm của các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát công tác xuất nhập khẩu. Thế nhưng nhiều ý kiến so sánh cho thấy vấn đề bảo tồn thiên nhiên có vấn đề nguy hại hơn cả giống rùa tai đỏ. Đó chính là nạn phá rừng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Hết phá rừng ở Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam ra tận các cánh rừng già ở các tỉnh phía bắc. Lâm tặc ngày càng hoành hành, ngang nhiên khai thác rừng bất chấp sự quản lý, ngăn chặn của ngành kiểm lâm. Ai cũng biết rừng bị tàn phá làm đảo lộn môi trường, môi sinh khiến nhiều loại động vật quý hiếm từ rừng không chốn nương thân, trong đó có các loại rùa bản địa. So với báo động về sự cạnh tranh sinh tồn của rùa tai đỏ với các loại rùa bản địa thì tính hủy diệt của nó chưa bằng cảnh tàn phá rừng của lâm tặc trong nhiều năm qua.
Khi đề cập đến tệ phá rừng, có người cho rằng lực lượng kiểm lâm mỏng, khó quản lý hết các cửa rừng. Điều này có phần đúng nhưng thử nghĩ xem ở các dòng sông lớn gỗ lậu vẫn ngày đêm xuôi sông về với đồng bằng, thành phố băng qua các chốt, trạm kiểm lâm trong cả nước... Vì sao vậy? Đã đến lúc phát động phong trào ngăn chận tận gốc tệ phá rừng trong toàn dân, toàn hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Xử phạt nghiêm không chỉ dành cho đối tượng lâm tặc mà cả những ngành quản lý, cán bộ chuyên trách khi để lọt gỗ lậu xuôi dòng từ rừng về phố. Phải có biện pháp mạnh để bảo vệ rừng như diệt rùa tai đỏ khi mới còn trong trứng nước, quyết không để lây lan ra môi trường.
Chiến Hữu