Thành lập ngay các đoàn kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến địa phương để kiểm cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU, ngày 20/9 vừa qua. Đây là cũng là bước rà soát, chuẩn bị cho đợt khảo sát thực địa, kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam vào tháng 10 tới của phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC).

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), với lý do những nỗ lực của Việt Nam không đủ, không cương quyết trong việc ngăn chặn hoạt động khai thác IUU. Đồng thời, EC cũng đưa ra 9 khuyến nghị khắc phục những tồn tại để gỡ “thẻ vàng”, từ việc sửa đổi khung pháp lý, thực thi có hiệu quả luật pháp quốc gia, thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế… đến việc quản lý, ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác…

Ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, Chính phủ, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố ven biển, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục 9 khuyến nghị của EC; trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác.

Sau 5 năm nỗ lực khắc phục theo các khuyến nghị của EC, nước ta đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách thực hiện. Một nguồn lực lớn được đầu tư để cải tạo, nâng cấp các cảng cá; xây dựng các trạm bờ, trung tâm quản lý tàu cá; hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tập huấn hướng dẫn ngư dân sử dụng các thiết bị và ghi nhật ký đánh bắt để phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển được tăng cường nhằm hỗ trợ và giám sát việc khai thác thủy sản…

Những nỗ lực này nhìn từ Thừa Thiên Huế chúng ta cũng có thể thấy rõ. Đó là các cảng cá như Thuận An, Tư Hiền được đầu tư nguồn vốn lớn để nâng cấp, làm tốt nhiệm vụ hậu cần nghề cá; xây dựng trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản để giám sát; 100% tàu đánh bắt xa bờ trong diện bắt buộc đều đã đầu tư lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh và thiết bị máy giám sát hành trình tàu cá (VMS). Thời gian qua, không có trường hợp tàu cá nào của tỉnh vi phạm việc đánh bắt trong các vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC, một số tàu cá ở các địa phương vẫn chưa thực hiện tốt các quy định, như việc ghi nhật ký đánh bắt sơ sài, mang tính đối phó; một số tàu cá mất tín hiệu; vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là một thực tế mà chúng ta muốn giấu cũng không được, bởi đoàn giám sát của EC sẽ tham chiếu số liệu báo cáo từ các quốc gia khác trong khu vực.

Vấn đề đặt ra, dù tăng cường công tác quản lý, giám sát, các tàu có đủ trang, thiết bị, ngư dân được tập huấn, nắm vững kỹ thuật vận hành và các quy định nhưng việc vi phạm vẫn cứ xảy ra? Nếu trừ yếu tố chủ quan như hư hỏng thiết bị, thời tiết phức tạp (yếu tố này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ), rõ ràng lỗi chủ quan, cố ý tắt thiết bị giám sát của ngư dân là không thể phủ nhận. Mà đã cố ý thì phải xử lý nghiêm. Không chỉ phạt tiền mà cần có chế tài mạnh hơn như thu hồi giấy phép, không cấp lệnh ra khơi, thậm chí khởi tố.

Để tháo gỡ thẻ vàng, ngoài nỗ lực của Nhà nước, các ban, ngành chức năng, điều quan trọng là sự tham gia tự giác của ngư dân. Đây là việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tác động đến chính đời sống ngư dân mà cả ngành xuất khẩu thủy sản và uy tín, thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới.

Hoàng Minh