VĐV bơi - lặn Thừa Thiên Huế cần được tạo điều kiện tập huấn để nâng cao trình độ

Hy vọng vào lớp trẻ

Những năm gần đây, bơi - lặn không có được niềm “hy vọng vàng” trên đấu trường quốc tế như vật và một số môn thể thao khác, nhưng vẫn có thành tích đáng nể. Năm 2018, bơi - lặn Thừa Thiên Huế giành được 56 huy chương (12 HCV, 23 HCB, 21 HCĐ), 1 VĐV được phong cấp kiện tướng và 6 VĐV cấp 1. Năm 2019, bơi - lặn có 54 huy chương (26 HCV, 15 HCB, 13 HCĐ).

VĐV Lê Thế Triều, Hoàng Thị Trà My phá kỷ lục tại giải vô địch trẻ Quốc gia ở nội dung lặn 50m và 200m chân vịt đôi. Triều được chọn vào đội tuyển quốc gia tham gia giải lặn vô địch trẻ châu Á ở Nhật Bản; đáng tiếc sau đó, do đất nước này bị bão lụt nên giải bị hoãn. Năm 2020, các VĐV của Trung tâm Thể thao tỉnh tiếp tục mang về cho thể thao tỉnh nhà đến 90 huy chương các loại (18 HCV, 36 HCB, 36 HCĐ) từ các giải vô địch nhóm tuổi, vô địch trẻ, vô địch các CLB, vô địch Quốc gia.

Kế thừa những thành tích của năm 2020, những VĐV trẻ như Hoàng Thị Trà My, Lê Ngọc Hoàng được tập trung đầu tư để chuẩn bị cho các giải trong năm và cuối năm 2021 tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia để tuyển chọn VĐV dự SEA  Games 31. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 cao điểm, là người dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc-xin nên cả hai đã không được tham gia thi đấu tuyển chọn.

Cũng trong năm 2021, bơi lội Thừa Thiên Huế gặp khó khăn khi VĐV Lê Thế Triều và Dương Thị Cẩm xin giải nghệ để đi học đại học thể dục thể thao theo nguyện vọng cá nhân và của gia đình. Tại giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2022 tổ chức vào đầu năm, cũng bởi ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đoàn chủ nhà Thừa Thiên Huế chỉ có 1 nam VĐV là Lê Ngọc Hoàng tham gia môn lặn nội dung chân vịt đôi ở các cự ly: 50m, 100m và 200m với mục tiêu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm.

VĐV trẻ Võ Minh Nhật (bìa trái) đoạt 3 HCB tại Giải Bơi - Lặn vô địch các nhóm tuổi Quốc gia 2022 vừa mới diễn ra tại Huế

Vượt lên khó khăn, các VĐV trẻ Lê Ngọc Hoàng cùng với Hoàng Thị Trà My và gần đây nhất là VĐV Võ Minh Nhật đang dần dần thể hiện năng lực, hứa hẹn phát triển tốt trong thời gian tới. Khi chuẩn bị tư liệu cho bài viết này, tôi được ông Trần Văn Vương, HLV trưởng bộ môn bơi - lặn Sở Văn hóa Thể thao báo tin vui, qua 2 ngày thi đấu tại Giải Bơi - Lặn vô địch các nhóm tuổi Quốc gia 2022 ở Huế, VĐV trẻ Võ Minh Nhật thi đấu nhóm tuổi 12 - 13 đã đoạt 3 HCB ở các nội dung: 100m - 200m chân vịt đôi và 100m vòi hơi chân vịt. Ông Vương đầy phấn khích khi cho biết, lực lượng trẻ đã và đang mang tới niềm tin rất khả quan. Tại Đại hội TDTT toàn quốc sắp đến, bơi - lặn Thừa Thiên Huế tập trung vượt qua các nội dung chính ở vòng đấu loại để tiến vào chung kết tranh chấp huy chương.

Khó tìm lời giải

Đặc thù của môn bơi - lặn là phải tập luyện theo chu kỳ kế hoạch liên tục cả năm. Tuy nhiên, tất cả các VĐV bơi - lặn học văn hóa ở các trường đều theo chương trình kế hoạch chung của nhà trường, và phải học 2 buổi/ngày nên ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tập luyện. Buổi sáng, các em chỉ tập từ 5h đến 6h sau đó phải đi học. Buổi chiều đi học về, các em lại phải nhanh chóng bắt đầu luyện tập đến 19h. Lịch trình này rất ảnh hưởng đến sự hồi phục thể lực, chưa kể việc học của các em cũng bị nhiều áp lực.

Theo ông Trần Văn Vương, thời tiết ở Huế từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm mưa lạnh, không có bể nước nóng nên các em chỉ phải tập thể lực trên cạn. Đó là kiểu thầy trò “đóng cửa dạy nhau” và tập “chay”, dễ gây nên  tâm lý nhàm chán, khó có thể nâng cao thành tích. Cùng với tăng cường cơ sở vật chất cho luyện tập tại chỗ, ông Trần Văn Vương bày tỏ mong muốn lãnh đạo địa phương tạo điều kiện cho VĐV bơi - lặn trẻ tiềm năng có được nhiều chuyến tập huấn, đặc biệt là ở nước ngoài để có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ.

Câu chuyện Lê Thế Triều và Dương Thị Cẩm xin giải nghệ để đi học đại học khiến nhiều người nhớ đến Trần Thị Thuận. Trở thành VĐV năng khiếu bơi của Huế từ năm 2000, chỉ sau 4 năm tập luyện và thi đấu, đến năm 2004, Trần Thị Thuận nổi lên như một hiện tượng của làng bơi Việt Nam khi được đặc cách tuyển thẳng vào Đội tuyển tuyến I Bơi lội Việt Nam - Đội tuyển Quốc gia vì thành tích thi đấu vượt trội.

Thuận là 1 trong 6 VĐV hạt giống, là lực lượng nòng cốt của đội tuyển Bơi lội Quốc gia được đi tập huấn tại Côn Minh - Trung Quốc và Úc nhằm chuẩn bị cho Đại hội TDTT châu Á lần thứ 15 tại Doha. Với sở trường bơi ếch, từ năm 2001 đến 2010, Trần Thị Thuận đạt được 28 HCV, 29 HCB và 17 HCĐ, trong đó đáng chú ý là có 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ tại giải trẻ Đông Nam Á; 1 HCB tại giải trẻ châu Á. Năm 2011, Trần Thị Thuận quyết định giã từ nghiệp VĐV để chuyển sang học văn hóa tại Trường ĐH TDTT quốc gia III - Đà Nẵng. Đáng mừng là, kết thúc 4 năm đại học, Thuận đã quay trở lại với bơi lội Huế trong vai trò huấn luyện viên.

Thực tế, cũng như nhiều môn thể thao khác, các VĐV bơi - lặn Thừa Thiên Huế đều có nỗi băn khoăn về tương lai sau khi giải nghệ, hay vì lý do khách quan không thể tiếp tục tập luyện thể thao đỉnh cao. Đi học đại học đúng với chuyên ngành như Trần Thị Thuận trước đây hay như Lê Thế Triều và Dương Thị Cẩm hiện nay là hướng đi đúng, nhưng đặt ra vấn đề đáng phải suy nghĩ. Đó là cách để họ có cơ hội truyền nghề, truyền lửa cho các thế hệ đàn em sau này giống như Trần Thị Thuận được đặc cách tuyển dụng làm HLV. Thế nhưng, rời bỏ đường đua xanh cùng chiếc áo truyền thống địa phương ở lứa tuổi sung sức cống hiến, họ đã để lại những lỗ hổng lớn khó có thể bù đắp được ngay cho đội tuyển bơi - lặn tỉnh nhà nói riêng và thành tích chung của thể thao địa phương.

Bài, ảnh: BÁ TRÍ