Thế giới hồi phục trong âu lo

 

Thế giới đầu tuần qua vẫn là một không khí đầy bi quan. Mặc dù Ireland đã nhận được một gói giải cứu trị giá 85 tỉ EUR với lãi suất là 5,8%, nhưng lợi tức trái phiếu mười năm chính phủ của Ireland vẫn tăng thêm 0,7% đạt mức 9,9%. Các nhà đầu tư cảm thấy mọi việc chưa thực sự ổn khi cơ cấu của gói giải cứu có tới 45 tỉ EUR từ các chính phủ châu Âu và 17,5 tỉ EUR từ dự trữ, quỹ hưu trí của chính Ireland. Không những Ireland mà có thể ngay cả Đức cũng sẽ phải đối mặt với những vụ biểu tình chống đối do gánh nặng thuế má và phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Sự lo lắng này còn được nhân thêm với GDP của Úc đột ngột tăng trưởng chậm lại 0,2% và Nhật thông báo thất nghiệp tăng lên trên 5%.

Vào giữa tuần, nước Mỹ đã khiến cho các nhà đầu tư yên tâm, khi lần lượt công bố các chỉ số kinh tế quan trọng với những cải thiện rõ rệt. Chỉ số ISM sản xuất (chỉ số đo lường kỳ vọng của các nhà sản xuất về sản lượng, số đơn đặt hàng, số người lao động, số hàng bán được cũng như hàng tồn kho trong tương lai) đã đạt mức 56,6% vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia. Năng suất lao động của Mỹ cũng được dự báo tăng lên. Thị trường nhà đất có vẻ ấm trở lại...

Thị trường tài chính Mỹ hôm thứ tư đã thực sự bùng nổ. Chỉ số Down Jones đã tăng tới 249 điểm tương đương 2,27%. Sự nóng bỏng của thị trường được tiếp tục vào ngày hôm sau, khi ECB công bố không thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại. Chủ tịch ECB cho biết sẽ tiếp tục giữ vững lãi suất ở mức 1%, sẵn sàng tăng cung tiền vay ngắn hạn theo nhu cầu của các ngân hàng để hỗ trợ thanh khoản, đồng thời sẽ thực hiện chương trình mua vào trái phiếu của các chính phủ căng thẳng về nợ. Lợi tức trái phiếu chính phủ mười năm của ba nước Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, đã có bốn phiên giảm điểm liên tiếp sau đó, tương ứng chỉ còn 8,59%, 5,89% và 4,99% vào ngày cuối tuần.

Tuy nhiên, thị trường việc làm Mỹ khiến các nhà đầu tư lo lắng trở lại vào ngày thứ sáu. Số người ăn lương phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng thêm 39.000 người, chỉ tương đương 1/4 mức dự đoán của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp đột ngột tăng lên 9,8% từ mức 9,6% của tháng trước đó. Điểm đáng lưu ý nhất là trong lĩnh vực bán lẻ, số lao động cũng bị thuê ít hơn cho dù mùa lễ mua sắm Giáng sinh cuối năm đang tới gần.

Mọi con mắt lại đổ dồn vào gói hỗ trợ 600 tỉ USD của FED cam kết trước đó. Vàng và hàng hoá lại trở thành phao mà các nhà đầu tư bám vào. Giá vàng và dầu thô chốt phiên cuối tuần đã tương ứng tăng 3,71% và 6,48% so với cuối tuần trước đó.

Việt Nam nhen nhóm tia hy vọng

 

 
 
 
 VN-Index đã tăng 5,57% lên mức 464,4 điểm so với cuối tuần trước đó. Những phiên giao dịch có giá trị giao dịch khớp lệnh trên 1.000 tỉ đồng đã liên tục xuất hiện sau gần hai tháng vắng bóng. HNX Index tăng còn mạnh hơn VN-Index với mức tăng 14,86%, lên 116,7 điểm.

Các thông tin xấu về lạm phát, tỷ giá, và lãi suất đã được phản ánh hết vào giá trong đợt sụt giảm mạnh vừa qua. Thị trường đang dần trở nên hấp dẫn hơn, khi một số thông tin tốt cũng đã dần xuất hiện.

Trước hết, nhà đầu tư kỳ vọng vào hiệp ước TPP (Trans – Pacific Partnership Trade Agreement) dự tính thay thế FTA mà Việt Nam đang tham gia sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam trong năm tới. Điểm khác nhau mấu chốt giữa hiệp ước TPP và FTA là mối quan hệ đa phương thay cho mối quan hệ song phương, theo đó một thị trường rộng hơn và một hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư sẽ được thiết lập.

Tiếp đến, các nhà đầu tư trong nước được củng cố bởi tin nguồn vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng. Theo các số liệu công bố của ngân hàng Nhà nước, thì ước có khoảng 210 triệu USD được đổ vào Việt Nam riêng trong hai tháng 10 và 11. Nhiều quỹ đầu tư mới cũng đang được xúc tiến thành lập nhằm tìm cơ hội giải ngân vào Việt Nam.

Thị trường ngoại hối đã có một số tín hiệu tích cực vào những ngày cuối tuần. Đầu tuần, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn tăng rất nhanh lên mức kỷ lục 21.500 đến 21.550. Nhưng trong ba ngày cuối tuần, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã xuống còn 21.300 – 21.350.

Dòng tiền đầu cơ dường như đang có xu hướng rút lui khỏi thị trường ngoại hối sau khi Chính phủ lại một lần nữa yêu cầu ngân hàng Nhà nước thực hiện thêm các biện pháp mạnh để ổn định tỷ giá, giá vàng, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ và kinh doanh vàng, ngoại tệ trái phép trong phiên họp thường kỳ chính phủ vào ngày 1.12.2010.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện công bố thêm nhiều thông tin mới có tác động tích cực đến thị trường ngoại hối. Cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam năm nay dự kiến chỉ thâm hụt 2 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với dự báo 4 tỉ USD hồi tháng 8. Các bộ ngành của Việt Nam đã chính thức cùng nhau phối hợp để giảm nhập siêu vào cuối năm thay vì chỉ có nỗ lực của ngân hàng Nhà nước như trước đây.

Tuy nhiên, lãi suất huy động tiếp tục lên cao. Nhiều ngân hàng cổ phần lớn đã công bố những mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất huy động 12% đã thoả thuận.

Điểm nóng tuần này

Thế giới, sẽ tập trung vào niềm tin người tiêu dùng Mỹ sau khi thất nghiệp tăng mạnh ảnh hưởng đến thu nhập tương lai của họ. Các nhà đầu tư đang chờ đón xem Fed sẽ tiếp tục sử dụng gói giải pháp 600 tỉ USD như thế nào, liệu quốc hội Mỹ có hoãn việc tăng thuế thu nhập trong tháng 1.2011 hay không. Trong tuần, ECB cũng có thể đưa ra quy mô mua vào lượng trái phiếu của các quốc gia khủng hoảng nợ.

Trong nước, điểm nóng tuần này có thể là thị trường liên ngân hàng. Tuần trước, ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lượng tiền bơm ra thị trường qua thị trường mở để kiểm soát lạm phát vào cuối năm. Số dư trên thị trường mở mà ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay đã giảm 3.448 tỉ đồng so với cuối tuần trước đó, còn 96.619 tỉ đồng, trong khi nhu cầu đi vay của các ngân hàng thì lớn hơn rất nhiều so với lượng tiền mà ngân hàng Nhà nước thu về. Lãi suất liên ngân hàng hai ngày cuối tuần qua đã tăng trở lại. Lãi suất qua đêm và một tuần lần lượt lên tới 9,5% và 11,5% sau hai tuần yên ả. Thị trường liên ngân hàng sẽ chịu thêm nhiều sức ép khi sẽ có nhiều ngân hàng thương mại khác tiếp nối ACB và TCB nâng lãi suất huy động lên.

Thị trường chứng khoán tuần này sẽ quyết định xu hướng tăng bền vững hay quay trở lại tình trạng lình xình sau hai tuần tăng. Với những đột phá về khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trên 1.000 tỉ đồng/phiên trong tuần trước thì dường như toàn bộ lượng cung giá thấp trước đó đã được vét sạch. Nếu đúng vậy, nền móng cho một xu hướng tăng mới đang ngày càng trở nên vững chắc hơn.

Thị trường ngoại hối đã có những điều chỉnh mạnh trong tuần qua và khả năng sẽ còn có thể tiếp tục đi xuống trong tuần này. Nếu coi dòng tiền thông minh trên thị trường luôn tìm được chỗ sinh lời tốt nhất thì khả năng, dòng tiền đầu cơ ngoại tệ và vàng sẽ tiếp tục được rút ra và chuyển sang thị trường chứng khoán.

Nguyên Minh Cường ( SGTT)