2 hồ chứa Khe Tăm, Ruộng Cấy bị bồi lấp làm 7 ha ruộng người dân Phong Mỹ phải bỏ hoang

Bồi lấp

Nằm giữa khu vực rừng tràm kinh tế xen lẫn ruộng lúa ở thôn Phong Thu (xã Phong Mỹ), 2 hồ thủy lợi Khe Tăm, Ruộng Cấy (diện tích hơn 2ha) nhiều năm nay có chức năng trữ nước, phục vụ sản xuất lúa và chữa cháy rừng mùa nắng hạn. Từ lâu, 2 hồ chứa nước này được người dân bảo vệ, duy tu để sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, qua các trận mưa lớn, hồ liên tục bị bồi lắng dẫn đến dung tích chứa nước giảm, nhiều nơi chỉ còn là những cồn đất.

Dẫn chúng tôi băng qua cánh rừng tràm, khoảnh ruộng lúa 7ha của người dân Phong Mỹ dù đã kết thúc vụ hè thu nhưng nhiều nơi ruộng vẫn bỏ hoang, có nơi lúa lại “xanh tốt” sau mấy trận mưa, ông Lê Tài - Trưởng thôn Phong Thu cho biết, vụ hè thu vừa qua bà con vẫn làm nhưng cuối vụ không có nước tưới, cây lúa chết khô. Những diện tích còn sót lại gặp mưa, cây lên lại nhưng không thu hoạch được gì, đành vứt bỏ. Nếu hồ không được nạo vét, vụ mùa tới người dân đành phải bỏ hoang ruộng lúa. Đời sống người dân khu vực này chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, không có nước nên rất khó khăn.

Ông Lê Hoàng, một người dân trồng rừng khu vực này cho biết, ngoài sản xuất nông nghiệp thì trồng rừng kinh tế của bà con Phong Mỹ và một phần ở xã Phong Thu mang lại thu nhập kinh tế khá cao. Hàng năm, 2 hồ chứa nếu tích đủ nước ngoài phục vụ tưới tiêu thì phòng, chống cháy rừng sẽ rất hiệu quả, bởi hồ nằm giữa cánh rừng tràm, bơm nước rất dễ dàng, đỡ mất công sức cho lực lượng chữa cháy khi có hỏa hoạn...

Theo ông Lê Tài, từ cuối năm 2020, Công ty TNHH Trường Thịnh (Phong Điền) đã làm các hồ sơ, thủ tục tiến hành nạo vét, tập kết đất lên bên cạnh bờ đê của 2 hồ chứa Khe Tăm, Ruộng Cấy nhưng sau đó công việc phải dừng giữa chừng dẫn đến hồ tiếp tục bị bồi lấp, nhiều đoạn đê bị phá nên đến nay không còn trữ được nước.

Thiếu kinh phí

Theo UBND xã Phong Mỹ, nhằm đảm bảo nước tưới tiêu cho đồng ruộng, phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đơn vị này đã lập hồ sơ xin nạo vét 2 hồ chứa Khe Tăm, Ruộng Cấy.

Tháng 8/2020, đại diện Sở TN&MT, Sở Xây  dựng, Sở NN&PTNT đã có chuyến khảo sát, kiểm tra và thống nhất cho UBND xã nạo vét 2 hồ này nhằm phục vụ tưới tiêu. Tháng 9/2020, Sở TN&MT đã có Công văn số 2040/STNMT-TN gửi UBND tỉnh về kiểm tra thực tế việc vận chuyển đất phát sinh trong quá trình nạo vét các hồ. Sau đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 8708/UBND-XD về việc thu hồi, vận chuyển đất phát sinh từ nạo vét các hồ này.

Trong đó, thống nhất đề xuất của Sở TN&MT về việc vận chuyển đất dôi dư phát sinh khi nạo vét và giao UBND xã Phong Mỹ chịu trách nhiệm xác định độ sâu nạo vét phù hợp đảm bảo lớp đất sét còn lại sau khi nạo vét đủ độ dày để chống thấm phục vụ tích nước dự trữ. UBND tỉnh cũng giao Sở TN&MT, UBND huyện Phong Điền hướng dẫn, giải quyết các thủ tục liên quan và chịu trách nhiệm giám sát việc thu hồi, vận chuyển và sử dụng khoáng sản phát sinh trong quá trình nạo vét 2 hồ chứa.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ cho hay, dù đã hoàn thiện các thủ tục nhưng do không bố trí được nguồn kinh phí nên đến nay việc nạo vét vẫn chưa được tiến hành. Trong khi đó, kinh phí tiến hành nạo vét vượt ra ngoài khả năng của địa phương.

Hiện nay 2 hồ chứa nước Khe Tăm, Ruộng Cấy vẫn không giữ được nước tưới tiêu dẫn đến hơn 7ha ruộng lúa của người dân trên địa bàn phải bỏ hoang và công tác chữa cháy rừng vào mùa nắng nóng cũng gặp khó khăn.

“Mới đây, UBND xã đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các đơn vị liên quan, đề xuất Sở TN&MT cùng các ban, ngành cho phép xã tận dụng phần đất phát sinh từ nạo vét 2 hồ Khe Tăm, Ruộng Cấy để hóa giá cho các đơn vị thi công Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn sử dụng làm đất cấp phối, lan lấp và dùng kinh phí đó để hợp đồng, chi trả cho đơn vị nạo vét 2 hồ chứa này. Tuy nhiên, đến nay việc nạo vét vẫn chưa được tiến hành do theo quy định mới việc tận thu khoáng sản (đất làm vật liệu san lấp) còn phải qua công tác đấu thầu, cấp phép”, ông Chung thông tin.

Bài, ảnh: Hà Nguyên